Tạo điều kiện tốt nhất để báo chí cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng

Thứ Tư, ngày 14 tháng 6 năm 2023 - 15:00


Sáng ngày 13/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam nhân kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023).

Thủ tướng Phạm Minh Chính hỏi thăm các hội viên Hội Nhà báo Việt Nam

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Lê Ngọc Quang, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam;...

Đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí gắn với kinh tế số và kinh tế báo chí, truyền thông

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cuộc làm việc nhằm chia sẻ, lắng nghe các ý kiến để hành động nhằm tăng cường và đổi mới quản lý Nhà nước với báo chí, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi, điều kiện tốt nhất có thể, tăng cường sức mạnh tinh thần và vật chất để báo chí, đội ngũ những người làm báo hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp và cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Tinh thần là "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể".

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc

Thủ tướng khẳng định, báo chí là công cụ tuyên truyền trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, phương tiện thông tin thiết yếu, món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đời sống xã hội. Trong đó, Hội Nhà báo Việt Nam có vai trò quan trọng trong đoàn kết, tập hợp, nâng cao bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.

Thủ tướng cũng chia sẻ với khó khăn, thách thức mà các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí, truyền thông và những người làm báo trên cả nước đang phải đối mặt, nhất là sự sụt giảm về doanh thu, thu nhập, sự cạnh tranh khốc liệt với các nền tảng xuyên biên giới và mạng xã hội...

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Hội Nhà báo các cấp và các cơ quan báo chí tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, qua đó giúp chấn chỉnh những “lệch chuẩn” về đạo đức nghề nghiệp, thúc đẩy giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí; bảo vệ lợi ích chính đáng của hội viên trong thực thi nhiệm vụ, đồng thời xử lý nghiêm những vi phạm, nhất là lợi dụng báo chí để đi ngược lại mục tiêu, lý tưởng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Báo chí phải đi đầu trong phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, người tốt, việc tốt, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, tạo động lực, truyền cảm hứng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, xã hội; làm tốt vai trò giám sát, phản biện; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, trung thực, minh bạch; đẩy mạnh đấu tranh bảo vệ chân lý, lẽ phải, người lương thiện; lên án cái xấu, cái ác, cái tiêu cực; chống lại những suy nghĩ và hành động sai trái, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; phản bác thông tin xuyên tạc, xấu độc, sai lệch sự thật; tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

“Tuyệt đối không để trống, không nhường mặt trận nóng bỏng này cho các thế lực thù địch, các tổ chức phản động chống phá trên mọi lĩnh vực truyền thông, nhất là truyền thông số, mạng xã hội”, Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí gắn với kinh tế số và kinh tế báo chí truyền thông; tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, các công nghệ mới vào hoạt động báo chí, truyền thông; bám sát các xu hướng tất yếu trong báo chí, truyền thông thế giới để đổi mới và làm tốt vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội; tăng cường bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho các phóng viên, nhà báo; hoàn thiện và thực hiện nghiêm pháp luật về báo chí, bảo đảm quyền tự do báo chí mà pháp luật quy định, bảo vệ nhà báo, quyền hành nghề hợp pháp, các lợi ích chính đáng của người làm báo…

Về chế độ chính sách cho người làm công tác Hội, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nội vụ nghiên cứu thêm để tiếp tục tháo gỡ khó khăn. “Vừa rồi, Chính phủ ban hành chế độ chính sách mới cho người làm công tác cơ sở, phải lắng nghe những phản ánh từ cơ sở… Chính sách cho công tác Hội, đề nghị Bộ Nội vụ quan tâm hơn nữa”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi tới những người làm báo trên cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước đánh giá cao đóng góp quan trọng của báo chí cả nước, trong đó có Hội Nhà báo Việt Nam và luôn tạo điều kiện để báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam phát huy vai trò, vị thế, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị được giao; những người làm báo ngày càng có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố và tăng cường sự tin tưởng và niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân dành cho báo chí.

Muốn báo chí cách mạng thì phải đầu tư công nghệ cho báo chí

Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ đang sửa các văn bản pháp luật liên quan để hoàn thiện cơ chế đặt hàng báo chí, nhất là các nghị định, thông tư về nhuận bút, định mức kinh tế kỹ thuật sao cho phù hợp với thị trường.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì xây dựng một số nền tảng công nghệ dùng chung cho các cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo chí nhỏ đang gặp khó khăn, hạn chế về ứng dụng công nghệ. Báo chí cách mạng cần phải là dòng chủ lưu trên không gian mạng, dẫn dắt thông tin trên không gian mạng. Thay vì viết nhiều bài thì viết các bài để dẫn dắt. 5% tin bài của báo chí phải dẫn dắt được 95% còn lại. Mỗi cơ quan báo chí phải là nền tảng số để người dân tham gia cập nhật thông tin. Trước đây đầu tư vào con người thì nay đầu tư vào công cụ, công cụ trước đây là cây bút trang giấy thì nay là công nghệ, các nền tảng ứng dụng kỹ thuật số, đầu tư vào nền tảng số.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm đến đầu tư vào các nền tảng số cho các cơ quan báo chí, tăng cường đầu tư cho các cơ quan báo chí. Không có vũ khí thì không thể chủ động, muốn báo chí cách mạng thì phải đầu tư công nghệ cho báo chí.

“Quan tâm đến báo chí nước nhà cần quan tâm đến yếu tố chính trị, cả về con người và cả về kinh tế báo chí. Chúng tôi mong muốn Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chính quyền các cấp tăng thêm 30% ngân sách đặt hàng báo chí, hiện nay, mỗi năm đầu tư cho báo chí là chưa đến 0,2% tổng chi đầu tư của ngân sách…”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị.

Không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ

Thay mặt giới báo chí cả nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai nhiệm vụ của người làm báo thời gian qua, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Với vai trò là nơi tập hợp, đoàn kết đội ngũ hội viên nhà báo, thời gian qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã góp phần tổ chức, động viên đội ngũ người làm báo tuyên truyền thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu to lớn và toàn diện của đất nước trên mọi lĩnh vực.

“Hội Nhà báo Việt Nam đã thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và quy định của Nhà nước về công tác thông tin, báo chí; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện những quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam để xây dựng đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao. Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hoạt động Hội có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu, với nhiều sự kiện nổi bật khẳng định được vai trò, vị trí của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam trong đời sống xã hội”, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Hội, để tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Hội Nhà báo Việt Nam và nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo các cấp tiếp tục bám sát mục tiêu phát triển theo định hướng mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

Các hội viên Hội Nhà báo Việt Nam nhận thức sâu sắc trách nhiệm của người làm báo, ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, tinh thần cống hiến. Tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu góp phần xây dựng nền Báo chí Cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại, vì lợi ích của đất nước và nhân dân./.

Theo mic.gov.vn