Các doanh nghiệp nỗ lực chuyển đổi số

Thứ Hai, ngày 7 tháng 11 năm 2022 - 09:58


Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển và thành công của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực từng bước khắc phục khó khăn, lúng túng, chủ động tiếp cận, đầu tư để thích ứng với chuyển đổi số để hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đạt hiệu quả.

Kết quả bước đầu

Nhằm bắt kịp với xu thế toàn cầu hóa, ứng dụng công nghệ số trong mọi hoạt động, nhất là sau khi dịch Covid-19 bùng phát, để thích ứng với bối cảnh bình thường mới, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta đã có nhiều giải pháp tích cực để chuyển đổi số và bước đầu đem lại những kết quả phấn khởi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Là một doanh nghiệp của nhà nước, trong quá trình chuyển đổi số, VNPT Tuyên Quang đã thực hiện song song nhiều nội dung để đảm bảo hiệu quả và thành công. Đồng chí Nguyễn Trung Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Trưởng đại diện Tập đoàn VNPT, Giám đốc Viễn thông Tuyên Quang cho biết, đơn vị đã chuẩn bị tốt về hạ tầng số, thực hiện vận hành số và đưa công tác chỉ đạo điều hành lên môi trường số ở tất cả các mặt công tác. Cùng với đó, đơn vị thực hiện đưa khách hàng lên môi trường số; phối hợp, đồng hành triển khai được rất nhiều các sản phẩm, giải pháp phục vụ cho quá trình chuyển đổi số chính quyền, chuyển đổi số doanh nghiệp. Đối với các giải pháp phục vụ chuyển đổi số doanh nghiệp có thể kể đến các giải pháp như: hóa đơn điện tử, chữ ký số, hợp đồng điện tử, phần mềm dịch vụ kê khai và nộp hồ sơ bảo hiểm xã hội điện tử...

Tại Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh, việc nhận và phát hành văn bản đến và đi đều thực hiện trên hệ thống điều hành văn bản chung của tỉnh. Toàn bộ việc lưu trữ về dữ liệu và tài liệu của Hiệp hội được số hóa và thực hiện mô hình văn phòng không giấy mực. Từ năm 2021, Hiệp hội đã triển khai và thực hiện thành công phần mềm khảo sát trực tuyến Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh (DDCI).  

Đồng chí Nguyễn Văn Minh, Bí thư Chi bộ Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết, Hiệp hội đã tổ chức tập huấn về chuyển đổi số cho doanh nghiệp hội viên và mời hầu hết các hội viên tham dự Hội nghị Chuyển đổi số cho doanh nghiệp do Bộ, ngành của Trung ương và tỉnh tổ chức. Hiện nay, các hội viên của Hiệp hội đã triển khai và thực hiện hóa đơn điện tử theo tiến độ của tỉnh; đồng thời đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, mua hàng, bán hàng, quản trị nội bộ, logistics (quy trình từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ), marketing (tiếp thị), nhất là các doanh nghiệp đã sử dụng thương mại điện tử, mạng xã hội, thanh toán điện tử, sử dụng các phần mềm quản lý nhân sự từ xa...

Công ty Điện lực Tuyên Quang quản lý vận hành

hệ thống lưới điện qua Trung tâm Điều khiển xa.

Nhà máy sản xuất gạch Tuynel chất lượng cao Viên Châu - Tuyên Quang của Công ty CP Lâm sản & Khoáng sản Tuyên Quang, đã đầu tư dây chuyền sản xuất theo công nghệ lò vòng với nhiều máy móc, thiết bị hiện đại. Nhờ đó, chỉ cần 60 - 70 lao động  là đã vận hành tốt hoạt động sản xuất 300 nghìn viên gạch/ngày, giảm hơn 10 lần số lượng lao động so với làm thủ công. Nhà máy đã ứng dụng nền tảng công nghệ số vào công tác quản lý, điều hành giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí, nguồn nhân lực, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao được sức cạnh tranh của sản phẩm so với sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Công ty TNHH Honda Linh Lực đã ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực từ bán hàng, dịch vụ phụ tùng cho tới chăm sóc khách hàng đối với hệ thống hơn 10 cửa hàng ở địa bàn 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Nhờ đó, lãnh đạo công ty vừa kiểm soát được các dữ liệu khách hàng, vừa kiểm soát các hoạt động kinh doanh bán hàng của các cửa hàng trực thuộc như: kế hoạch đặt hàng, kế hoạch xe về, kiểm soát lượng tồn kho, lại vừa tiết kiệm được thời gian, nhân lực, chi phí kiểm soát nguồn hàng hóa.

Những giải pháp căn cơ

Tại Tọa đàm “Chuyển đổi số trong cơ quan, doanh nghiệp” do Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp vừa tổ chức đã đánh giá, hiện nay, số lượng các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số chưa nhiều, phần lớn các doanh nghiệp vẫn còn khá lúng túng, chưa biết phải chuyển đổi số bắt đầu từ đâu và ưu tiên cái nào trước. Nhiều doanh nghiệp đã và đang sản xuất được sản phẩm tốt nhưng công tác quản lý, tiếp thị, chăm sóc khách hàng, quảng bá, phân phối sản phẩm và công tác quản lý vẫn đang là thủ công...       

Đồng chí Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Viễn thông VNPT Tuyên Quang Nguyễn Trung Hiếu cho biết, trong quá trình chuyển đổi số, VNPT cũng gặp khó khăn, nhất là trong công tác đào tạo nhân lực và tuyển dụng nguồn nhân lực. Do vậy, đơn vị sẽ tiếp tục tập trung đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng đáp ứng được quá trình chuyển đổi số; tăng cường công tác tuyển dụng để có nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, đơn vị sẽ tập trung nguồn lực để hoàn thiện các công cụ, áp dụng các công nghệ mới và chuyển đổi khách hàng lên môi trường số...

Bí thư Chi bộ Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh Nguyễn Văn Minh cho biết, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông để thay đổi nhận thức cho các doanh nghiệp; quan tâm đào tạo nâng cao trình độ người lao động, đảm bảo có khả năng làm chủ và khai thác, phát huy hiệu quả công nghệ. Hội cũng sẽ khuyến khích, động viên, nhân rộng mô hình doanh nghiệp, Hợp tác xã đã và đang ứng dụng các phần mềm chuyên dụng phục vụ quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Có thể thấy, bằng nỗ lực và sự quyết tâm trong thực hiện chuyển đổi số, các doanh nghiệp sau khi thực hiện chuyển đổi số đã tạo nên sự bứt phá, rút ngắn và kết nối khoảng cách giữa các doanh nghiệp, vùng miền với nhau và thực tế là sản xuất kinh doanh, dịch vụ hiệu quả hơn. Và chỉ bằng cách này, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mới ngày càng vươn xa hơn.

Theo baotuyenquang.com.vn






Tổng số: 0 | Trang: 1 trên tổng số 0 trang  

Xem tin theo ngày:   / /