Cảnh báo lỗ hổng bảo mật ảnh hưởng cao và nghiêm trọng trong các sản phẩm Microsoft

Thứ Sáu, ngày 15 tháng 10 năm 2021 - 08:09


Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản gửi đơn vị chuyên trách về CNTT các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước; các Ngân hàng TMCP; các tổ chức tài chính; Hệ thống các đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin cảnh báo về lỗ hổng bảo mật ảnh hưởng cao và nghiêm trọng trong các sản phẩm Microsoft.

Vừa qua, Microsoft đã phát hành danh sách bản vá tháng 10 với 78 lỗ hổng bảo mật trong các sản phẩm của mình. Bản phát hành tháng này đặc biệt đáng chú ý các lỗ hổng bảo mật sau:

Lỗ hổng bảo mật CVE-2021-26427 trong Microsoft Exchange Server: Lỗ hổng này được coi là ít có khả năng bị khai thác, nhưngvẫn có thể cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa trên máy chủ mục tiêu. Điều này cho thấy, Exchange Server vẫn là mục tiêu hàng đầu của các nhóm tấn công có chủ đích (APT) từ tháng 3/2021 đến nay và có nhiều cách khai thác mà kẻ tấn công có thể tận dụng. Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin cũng đã đặc biệt nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của Exchange Server thông qua nhiều văn bản cảnh báo rộng rãi về các lỗ hổng bảo mật trong Exchange Server trước đây.

 Lỗ hổng bảo mật CVE-2021-40486 trong Microsoft Word: Lỗ hổng có điểm CVSS: 7.8 (cao) cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa mà không cần xác thực, từ đó có thể hoàn toàn chiếm quyền truy cập hệ thống mục tiêu.

Lỗ hổng bảo mật CVE-2021-40469 trong Windows DNS Server: Lỗ hổng có điểm CVSS: 7.8 (cao), ảnh hưởng đến các phiên bản khác nhau của Windows 7/8.1/10. Để khai thác lỗ hổng này, đối tượng tấn côngcần xác thực đểthực thi mã  từ xa.

05 lỗ hổng bảo  mật (CVE-2021-40471,  CVE-2021-40473,  CVE-2021-40474,  CVE-2021-40479,  CVE-2021-40485)  trong  Microsoft  Excel:  có  điểm CVSS: 7.8 (cao), cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa.

Lỗ hổng bảo mật CVE-2021-40465 trong Windows Text Shaping: Lỗ hổng có điểm CVSS: 7.8 (cao) cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa mà không cần xác thực.

Lỗ hổng bảo mật CVE-2021-41342 trong Windows MSHTML: Lỗ hổng có điểm CVSS: 6.8 (cao) cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa.

Lỗ hổng bảo mật CVE-2021-36970 trong Windows Print Spooler: Lỗ hổng có điểm CVSS: 8.8 (cao) cho phép đối tượng tấn công thực hiện tấn công giả mạo.

02  lỗ  hổng  bảo  mật  (CVE-2021-40461  và  CVE-2021-38672)  trong WindowsHyper-V: Các lỗ hổng này cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa, gây lỗi cấp phát bộ nhớ từ đó có thể đọcbộ nhớ trong của máy chủ.

Nhằm đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống thông tin của Quý đơn vị, góp phần bảo đảm an toàn cho không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tinkhuyến nghị Quý đơn vị thực hiện:

 Kiểm tra, rà soát, xác định máy sử dụng hệ điều hành Windows có khả năng bị ảnh hưởng.Thực hiện cập nhật bản vá kịp thời để tránh nguy cơ bị tấn công (tham khảo thông tin tại phụ lục kèm theo).

Tăng cường giám sát và sẵn sàng phương án xử lý khi phát hiện có dấu hiệu bị khai thác, tấn công mạng; đồng thời thường xuyên theo dõi kênh cảnh báo của các cơ quan chức năng và các tổ chức lớn về an toàn thông tin để phát hiện kịp thời các nguy cơ tấn công mạng.

Trong trường hợp cần thiết có thể liên hệ đầu mối hỗ trợ của Cục An toàn thông tin: Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, điện thoại 02432091616, thư điện tử: ais@mic.gov.vn.

TTBCXB