Dự họp báo có lãnh đạo Cục Báo chí, Cục Viễn thông, Cục Tần số vô tuyến điện, Cục An toàn thông tin, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Cục Công nghiệp ICT, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Văn phòng Bộ, Trung tâm Thông tin cùng đại diện một số đơn vị liên quan thuộc Bộ và các nhà báo, phóng viên đại diện cho các cơ quan thông tấn báo chí.
Giới thiệu nội dung hai Thông tư số 05/2023/TT-BTTTT và Thông tư số 06/2023/TT-BTTTT trong lĩnh vực Phát thanh truyền hình
Ông Đỗ Công Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin phát biểu khai mạc buổi họp báo tháng 7/2023
Tại buổi họp báo, ông Đỗ Công Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin, đại diện Ban Tổ chức đã giới thiệu khái quát nội dung hai Thông tư số 05/2023/TT-BTTTT và 06/2023/TT-BTTTT của Bộ trưởng Bộ TT&TT vừa ký ban hành ngày 30/6/2023, có hiệu lực từ 15/8/2023.
Theo đó, Thông tư số 05/2023/TT-BTTTT sửa đổi, bổ sung 11 biểu mẫu được quy định tại Thông tư số 19/2016/TT-BTTTT nhằm phù hợp với công tác quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình theo quy định tại Nghị định số 71/2022/NĐ-CP ngày 01/10/2022 của Chính phủ. Thông tư được ban hành để hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện hồ sơ cấp phép, cấp Giấy chứng nhận; hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp lập hồ sơ quản lý dữ liệu và báo cáo nghiệp vụ về dữ liệu nội dung theo yêu cầu, nội dung giá trị gia tăng, nội dung quảng cáo và tỷ lệ thuê bao xem kênh chương trình thiết yếu quốc gia phục vụ công tác quản lý của Bộ TTTT.
Thông tư số 06/2023/TT-BTTTT hướng dẫn nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung PTTH theo yêu cầu là các chương trình thể thao, giải trí theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20a Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, được quy định bổ sung tại khoản 11, Điều 1, Nghị định số 71/2022/NĐ-CP ngày 01/10/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP
Thông tư 06/2023/TT-BTTTT được ban hành để các đơn vị cung cấp dịch vụ PTTH, các đơn vị có giấy phép hoạt động PTTH có cơ sở pháp lý để thực hiện trong quá trình hoạt động. Đặc biệt, Thông tư này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị cung cấp dịch vụ PTTH được chủ động trong việc tổ chức nguồn lực, quyết định phương thức phù hợp trong hoạt động biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung video on demand (VOD) là các chương trình thể thao, giải trí, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật và thuận lợi trong hoạt động kinh doanh; kiểm soát được nội dung nhưng không làm ảnh hưởng đến giáo dục, thị hiếu, thẩm mỹ của khán, thính giả và phù hợp với tâm sinh lý của từng lứa tuổi. Đồng thời, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý của nhà nước về PTTH (bao gồm cả nội dung và dịch vụ), hạn chế được những tác động tiêu cực mà nội dung chương trình có thể gây ra cho xã hội và người nghe, người xem.
Hai Thông tư vừa được ban hành sẽ góp phần hoàn chỉnh hành lang pháp lý quản lý dịch vụ PTTH.
Lừa đảo trực tuyến dịch chuyển sang nhóm đối tượng là người cao tuổi, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp và trẻ e
Ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng tập sự Cục An toàn thông tin trả lời các câu hỏi của phóng viên đại diện cho các cơ quan báo chí tại họp báo
Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng tập sự Cục An toàn thông tin cho biết, tình hình lừa đảo trực tuyến đang diễn biến phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2023, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.
Mặc dù nội dung và các hình thức lừa đảo không mới, tuy nhiên đối tượng bị lừa đảo trực tuyến đã dịch chuyển mạnh sang nhóm người cao tuổi, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp và trẻ em.
Theo đại diện Cục An toàn thông tin, công nghệ phát triển nhanh, điện thoại thông minh đã phổ cập đến nhóm đối tượng kể trên, trong khi họ mới được tiếp cận công nghệ, khả năng nhận diện dấu hiệu lừa đảo tương đối thấp nên trở thành đối tượng để các nhóm lừa đảo tài chính trực tuyến tập trung vào. Bên cạnh đó, công nghệ phát triển nhanh cũng bị các nhóm lừa đảo tận dụng để hình thành các hệ thống tổ chức lừa đảo nhanh chóng hơn và hiệu quả hơn.
Cũng theo ông Trần Quang Hưng, nguyên nhân sâu xa để lừa đảo trực tuyến tiếp tục diễn ra là do chúng ta không cập nhật được sớm các hình thức lừa đảo, phổ cập rộng rãi để người dân cảnh giác hơn.
Các phóng viên đặt câu hỏi tại họp báo
Nhằm tăng cường nhận thức, kiến thức về lừa đảo trực tuyến nhằm bảo vệ người dân Việt Nam trước những rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng, Bộ TT&TT đã chính thức phát động Chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến”, triển khai từ ngày 23/6 đến ngày 23/7/2023. Chiến dịch do Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT chủ trì, điều phối và phối hợp cùng thành viên Liên minh Tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng. Chiến dịch sẽ phủ sóng rộng khắp trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nền tảng mạng xã hội để cung cấp đầy đủ thông tin, trang bị và phổ biến kiến thức về lừa đảo trực tuyến đến với mọi nhà, cho từng nhóm đối tượng, thông qua các clip tình huống lừa đảo trực tuyến phổ biến, hướng dẫn nhận diện 24 hình thức lừa đảo, đồng thời cung cấp bộ cẩm nang kiến thức phòng tránh để bảo vệ bản thân và gia đình trên không gian mạng.
Ngoài ra, ông Trần Quang Hưng cũng đưa ra một thông tin đáng mừng, trước đây khi xuất hiện hình thức lừa đảo trực tuyến mới phải một thời gian sau cơ quan nhà nước mới biết. Hiện nay, rất đáng mừng là người dân đã nhanh chóng liên hệ với cơ quan chức năng khi gặp lừa đảo trực tuyến thông qua Cổng Không gian mạng quốc gia … từ đó cơ quan chức năng kịp thời phát đi các thông tin cảnh báo và ngăn chặn, giảm thiểu lừa đảo trực tuyến.
Đã tìm ra giải pháp hiệu quả chặn BTS giả phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo
Ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện trả lời câu hỏi của phóng viên đại diện cho các cơ quan báo chí tại họp báo
Theo ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, chỉ trong vòng 1 phút các trạm BTS giả có thể nhắn với tần suất hàng nghìn tin nhắn với các nội dung như đường link giả mạo, trang cờ bạc trực tuyến, website lừa đảo…, nguyên nhân là do lỗ hổng bảo mật của mạng GSM 2G chỉ yêu cầu mạng xác thực người dùng chứ không yêu cầu người dùng xác thực nhà mạng, vì vậy bị kẻ xấu lợi dụng để phát tán tin nhắn giả mạo. Đây là cũng là vấn đề của nhiều quốc gia đang dùng GSM 2G và hiện chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý triệt để.
Ngoài ra, khó khăn nữa là thiết bị BTS nhập lậu theo đường tiểu ngạch, lại nhỏ gọn, có thể đặt thiết bị BTS này trên các phương tiện cơ động, như ô tô, xe máy, có khả năng di dời nhanh, gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc thanh tra, phát hiện. Tuy nhiên, mới đây Bộ TT&TT đã tìm được giải pháp hữu hiệu giải quyết vấn đề này, đó là sự phối hợp hiệu quả giữa nhà mạng và lực lượng công an.
Khi BTS giả hoạt động, nhà mạng phát hiện, khoanh vùng, đội ngũ chuyên gia kỹ thuật của Cục Tần số có thể định vị chính xác BTS giả hiện đang ở đâu, phối hợp cùng công an chặn bắt ngay.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Cục Tần số vô tuyến điện đã phối hợp với các DN di động, Bộ Công an phát hiện và xử lý 24 vụ BTS giả mạo phát tán tin nhắn rác và lừa đảo. Trong đó, Cục Tần số trực tiếp phát hiện 5/ vụ, cơ quan công an mở rộng vụ án và phát hiện thêm 4 vụ. Trong 6 tháng đầu năm 2023 đã phát hiện được 15 vụ, trong đó có 12/15 vụ do Cục Tần số VTĐ trực tiếp thực hiện.
Về hiện tượng nhiều cửa cuốn, xe máy dùng chìa khóa thông minh (smart key) không mở được, ông Trần Mạnh Tuấn cho biết, gần đây Bộ TT&TT đã ghi nhận phản ánh về hiện tượng nhiều hộ gia đình sử dụng các thiết bị điều khiển từ xa gây nhiễu trên băng tần miễn cấp phép cho thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến (433.05-434.79MHz), dẫn đến việc nhiều thiết bị (ví dụ như smartkey) bị ảnh hưởng do có cùng dải tần.
Theo ông Trần Mạnh Tuấn, Smart key là thiết bị sử dụng tần số vô tuyến điện để liên lạc với phương tiện như ô tô, xe máy nhằm khóa và mở. Tình trạng smartkey không hoạt động tại một số địa điểm thời gian qua là do ở khu vực đó có thiết bị tần số vô tuyến điện hoạt động cùng tần số. Khi những thiết bị này bị lỗi hoặc không đảm bảo chất lượng, sẽ dẫn đến tình trạng chiếm kênh, phát sóng liên tục, do đó chìa khóa không thể kết nối với ổ khóa, khiến cho ô tô, xe máy, cửa cuốn không thể hoạt động.
Để khắc phục tình trạng này, Cục Tần số vô tuyến điện khuyến nghị tất cả các thiết bị tần số vô tuyến điện nói chung, trong đó có các thiết bị điều khiển gia đình sử dụng sóng kết nối vô tuyến điện phải thực hiện chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy.
Khi mua hàng, người dân cần kiểm tra trên bao bì sản phẩm hoặc trên thiết bị có gắn dấu hợp quy không. Ngoài ra, để tránh mua phải thiết bị vô tuyến kém chất lượng, người dân nên mua ở những cơ sở hoặc các nhà sản xuất có uy tín.
Kết quả sơ bộ thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động trên toàn quốc
Ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh Thanh tra Bộ TT&TT trả lời câu hỏi của phóng viên đại diện cho các cơ quan báo chí tại họp báo
Thông tin hoạt động thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động trên toàn quốc, ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh Thanh tra Bộ TT&TT cho biết, đã thành lập 82 đoàn thanh tra, trong đó Bộ TT&TT tổ chức 8 đoàn, Sở TT&TT các tỉnh thành tổ chức 74 đoàn với sự tham gia của 445 cán bộ.
Đến nay, đã có 29 Sở TT&TT ban hành kết luận thanh tra, đã báo cáo về Bộ, còn 34 Sở TT&TT đang trong quá trình xây dựng báo cáo kết quả thanh tra. 8 đoàn thanh tra của Bộ TT&TT đã kết thúc công tác thanh tra và đang chuẩn bị báo cáo.
Nhận định sơ bộ từ kết quả thanh tra của các Sở TT&TT gửi về Bộ, ông Đỗ Hữu Trí cho biết, vẫn còn tồn tại một số lỗi, như: Còn tình trạng một số thuê bao đăng ký ở nhiều tỉnh, thành phố trong một thời gian ngắn; hiện tượng ảnh chủ thuê bao là người cởi trần hay không có ảnh chụp của chủ thuê bao, không thực hiện giao kết hợp đồng với chủ thuê bao đăng ký từ SIM thứ 4 trở lên.
Tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo Cục Chuyển đổi số quốc gia, Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia đã trả lời các câu hỏi của các phóng viên về Tổ công nghệ số cộng đồng (vai trò, những tồn tại và giải pháp); tiềm năng phát triển ngành sản xuất chip tại Việt Nam; Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), chữ ký số cá nhân…
Bà Hoàng Thị Phương Lựu, Phó Chánh Văn phòng phụ trách Văn phòng Bộ TT&TT
Kết thúc buổi họp báo, thay mặt Ban Tổ chức, bà Hoàng Thị Phương Lựu, Phó chánh Văn phòng phụ trách Văn phòng Bộ TT&TT cho biết, trước buổi họp báo Ban tổ chức đã nhận được 36 câu hỏi từ các nhà báo của các cơ quan báo chí và 6 câu hỏi trực tiếp tại buổi họp báo liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ TT&TT. Lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ đã trực tiếp trả lời đầy đủ và thỏa đáng hầu hết các câu hỏi của các nhà báo liên quan đến lĩnh vực do đơn vị mình phụ trách. Các đơn vị chức năng của Bộ rất nỗ lực cung cấp thông tin về các vấn đề báo chí quan tâm một cách đầy đủ nhất trong một thời gian ngắn.
Bộ TT&TT luôn cố gắng điều chỉnh cách thức tổ chức họp báo sao cho cuộc họp báo diễn ra hiệu quả nhất, trả lời được nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề mà các nhà báo quan tâm./.
Theo Mic.gov.vn