Định hướng phát triển ngành, lĩnh vực TT&TT trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo

03/01/2025 - 07:47
74

Ngày 2/1/2025, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của các đơn vị thuộc Bộ về định hướng phát triển ngành, lĩnh vực TT&TT trong giai đoạn tiếp theo và các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

 

 

 

Định hướng phát triển ngành, lĩnh vực TT&TT trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Phạm Đức Long, Thứ trưởng Phan Tâm cùng toàn thể các lãnh đạo chủ chốt của các đơn vị thuộc Bộ TT&TT.

Buổi làm việc diễn ra trong không khí cởi mở, chia sẻ đầy cảm hứng xoay quanh những vấn đề trao đổi thú vị từ lãnh đạo các đơn vị với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về định hướng phát triển ngành, lĩnh vực TT&TT nhân dịp đầu năm mới 2025.

Ngành TT&TT cần phải phát huy được những giá trị trong kỷ nguyên mới

Tại Buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về CĐS, song hành cùng các quốc gia tiên tiến. Việc quản lý mạng xã hội xuyên biên giới của Việt Nam cũng được thế giới đánh giá cao.

Với những kết quả và nỗ lực trong thời gian qua và trong năm 2024, Bộ trưởng khẳng định: "Ngành TT&TT cần phải phát huy được những giá trị trong kỷ nguyên mới và Việt Nam có thể hoàn toàn tự tin cạnh tranh số khi hầu hết các lĩnh vực quản lý của Ngành đã có thể đo lường được".

Bộ trưởng cũng chỉ ra một số vấn đề lãnh đạo các đơn vị cần chú ý, công việc quản lý nhà nước phải được ánh xạ từ những thực tiễn đời sống, như việc người dân bị nhắn tin lừa đảo hay việc phải chờ đèn đỏ quá lâu khi đường vắng… thì cần nghiên cứu giải các câu chuyện này bằng công nghệ.

Theo Bộ trưởng, từ những việc cụ thể thì khái quát lên những việc có tầm nhìn lớn; từ những việc khái quát thì ánh xạ vào công việc hàng ngày; ánh xạ quản lý nhà nước vào đời thường của từng gia đình. Thế giới đang có sự dịch chuyển vĩ đại nhất của nhân loại, đó là di chuyển từ thế giới thực sang thế giới số. Và từ đó, nhiều câu chuyện chưa thể giải quyết trong nhiều năm thì nay có thể giải bằng công nghệ, IoT.

Tập trung vào giá trị cốt lõi của xuất bản

Với những băn khoăn của lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành về cơ hội và thách thức từ trí tuệ nhân tạo (AI) đối với ngành Xuất bản, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát huy các giá trị cốt lõi của Ngành.

Bộ trưởng nhận định AI không thể thay thế sự sáng tạo của con người, nhưng nếu được sử dụng đúng cách, AI sẽ trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực, mang lại hiệu quả cao cho hoạt động xuất bản.

Định hướng phát triển ngành, lĩnh vực TT&TT trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị

Bộ trưởng lấy ví dụ từ câu chuyện về mối quan hệ giữa báo chí và mạng xã hội. Khi mạng xã hội bùng nổ, với nguồn thông tin đa dạng và phong phú, người dùng có xu hướng cập nhật tin tức qua các nền tảng này. Tuy nhiên, theo thời gian, sự bão hòa thông tin, sự gia tăng của tin giả và tin thiếu kiểm chứng đã khiến độc giả quay lại với báo chí – nơi luôn giữ vững giá trị cốt lõi là tính minh bạch, kiểm chứng và khách quan. Điều này đã được minh chứng rõ ràng trong giai đoạn đại dịch COVID-19.

Vì vậy, xuất bản cần tiếp tục giữ vững những giá trị truyền thống, đồng thời sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ để giải quyết các bài toán của Ngành. Chỉ khi kiên định với các giá trị cốt lõi, xuất bản mới có thể thích ứng và phát triển bền vững trong thời kỳ mới.

Cần tập trung phát triển thương hiệu Việt Nam về an toàn an ninh mạng

Đối với lĩnh vực An toàn thông tin (ATTT), theo Bộ trưởng để mở rộng không gian, tăng thị phần sản phẩm cho dịch vụ, sản phẩm ATTT trong nước, cần thiết ban hành các bộ tiêu chí đồng bộ, đánh giá mức độ, chất lượng sản phẩm tương đương, ngang hàng thế giới.

Bên cạnh đó, ngoài tiêu chuẩn chung quốc tế thì lĩnh vực ATTT cần có tiêu chuẩn "may đo" Việt Nam. Việc tạo ra tiêu chuẩn đặc thù vừa tạo ra sự bền vững cho đất nước vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt phát triển", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, lĩnh vực ATTT của Việt Nam có thứ hạng cao và được xem là điều kiện tiên quyết để CĐS. Vì vậy, chúng ta nên tận dụng lợi thế này để phát triển thương hiệu Việt Nam về an toàn an ninh mạng trên thị trường quốc tế.

Thị trường công nghệ số Việt Nam hiện nay vô cùng cạnh tranh nhờ sản phẩm tốt cùng chi phí thấp. Do đó, việc doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nhanh nhạy nắm bắt cơ hội, tận dụng lợi thế đi ra nước ngoài vừa để cọ sát, kiểm chứng sản phẩm, vừa mang lại cho mình những cơ hội và lợi thế cạnh tranh nhất định là điều nên làm. Hiện nay, số doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng Việt Nam phát triển ở thị trường quốc tế vẫn còn ít, nên tận dụng cơ hội này để phát triển trong thời gian tới. Đặc biệt, cần đặt mục tiêu, nỗ lực đạt doanh thu trong nước 30% và nước ngoài 70% – Bộ trưởng nhận định.

Cùng với đó, lĩnh vực ATTT cần chỉ ra các doanh nghiệp nòng cốt, có quy mô lớn và năng lực cạnh tranh để giao nhiệm vụ, đề án và tập trung thực hiện mục tiêu quốc gia, đưa đất nước phát triển.

Đưa tri thức Việt Nam ra thế giới

Đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ ra 05 định hướng chiến lược quan trọng để Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) thúc đẩy hợp tác quốc tế thời gian tới: Đưa sinh viên tốt nghiệp ra nước ngoài làm việc; xuất khẩu học liệu; thu hút sinh viên quốc tế đến Việt Nam; mở rộng cơ sở đào tạo ở nước ngoài; thúc đẩy trao đổi chuyên môn, giảng viên với các quốc gia khác.

Theo Bộ trưởng, việc các kỹ sư và chuyên gia Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp và trung tâm R&D ở nước ngoài không chỉ giúp tiếp cận quy trình làm việc tiên tiến mà còn giải quyết vấn đề thu nhập cao. Tuy nhiên, cần nỗ lực làm chủ công nghệ để tri thức thuộc về mình. Bộ trưởng nhấn mạnh tinh thần "tự cường công nghệ" theo Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, hướng đến mục tiêu tự chủ trong ứng dụng và làm chủ công nghệ.

Về xuất khẩu tri thức, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh tiềm năng của đào tạo trực tuyến. Dù xuất khẩu học liệu sang các quốc gia tiên tiến có thể gặp khó khăn, nhưng cơ hội tại hơn 100 quốc gia, đang thiếu hụt nguồn lực giáo dục đại học và điều kiện học tập, là vô cùng lớn. "Đây chính là cánh cửa để PTIT và Việt Nam mở rộng tầm ảnh hưởng, đóng góp vào sự phát triển của nhân loại thông qua giáo dục," Bộ trưởng nhận định.

Bộ trưởng còn khẳng định vai trò của Việt Nam trong việc đóng góp cho thế giới. Từ một quốc gia từng nhận hỗ trợ quốc tế, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành một phần tích cực trong gìn giữ hòa bình và thúc đẩy phát triển toàn cầu. Bộ trưởng cho rằng các cơ sở giáo dục, trong đó có PTIT nên nỗ lực giải bài toán đưa tri thức Việt Nam ra thế giới, đặc biệt qua đào tạo trực tuyến, để hỗ trợ các quốc gia nghèo và góp phần nâng cao tri thức nhân loại. "Thực hiện tốt nhiệm vụ này chính là cách giáo dục Việt Nam góp phần vào sự phát triển bền vững của nhân loại," Bộ trưởng khẳng định./.

Theo: Mic.gov.vn

 

 

 

bình luận

Tìm kiếm
 
Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang